Đại dịch nhảy múa bắt đầu từ lúc nào?
Vào tháng 7 năm 1518, cư dân của thành phố Strasbourg (Pháp) đã bị đánh gục bởi một sự thôi thúc mãnh liệt khiến mọi người không thể ngừng nhảy múa. Được biết thêm, cơn cuồng loạn này bắt đầu khi một người phụ nữ có tên là Frau Troffea bước ra đường và bắt đầu uốn éo, xoay người, lắc lư. Cô đã duy trì điệu nhảy solo của mình trong gần một tuần, và chẳng bao lâu sau, khoảng ba chục người ở quanh khu vực đó cũng tham gia.
Đến tháng 8, dịch khiêu vũ đã lan rộng ra khắp thành phố Strasbourg. Song, chính quyền cũng như các nhà khoa học lại không có bất kỳ lời giải thích nào cho hiện tượng này.
Các bác sĩ địa phương thời ấy đổ lỗi là do “máu nóng” và đề nghị những người bị sốt nên uống thuốc hạ sốt. Thế nhưng, đại dịch nhảy múa vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Vấn đề chữa trị lâm vào ngõ cụt khi không thể tìm được nguyên nhân phát bệnh. Sự lây lan sang nhiều người trở thành một mối lo lắng.
Sự lây lan của đại dịch nhảy múa

Thậm chí, có một thị trấn còn dựng cả một sân khấu lớn, thuê ban nhạc về đệm đàn cho mọi người nhảy. Và cứ thế, các “vũ công” lần lượt ngã gục vì đột quỵ và đau tim lẫn kiệt sức khi cứ phải nhảy không ngừng ngày này sang ngày khác. Đã có tất cả 400 người thiệt mạng trong trận đại dịch mang tính nghệ thuật này. Tất cả đều không ngờ chờ đợi sau một đại dịch nhảy múa là cửa “tử” của nghệ thuật.
Cả một thành phố trở nên quay cuồng với các điệu nhảy hàng tuần đến cả tháng. Mặc dù hàng loạt người thiệt mạng nhưng vẫn không có dấu hiệu chững lại. Lúc này đây, chính quyền địa phương trở nên luống cuống. Nhưng bất kể bằng cách nào, nguyên do của đại dịch nhảy múa không thể tìm ra.
Kết thúc bất ngờ
Các biện pháp kiềm giữ trở nên bất lực. Tuy nhiên mọi chuyện lại kết thúc vào tháng 9, khi chính quyền đã đưa tất cả các vũ công bất đắc dĩ này đến một ngôi đền trên núi để cầu xin sự xá tội.
Có lẽ khi nghe câu chuyện này, mọi người sẽ cho rằng đây là một câu chuyện bịa đặt. Nhưng không, dịch bệnh nhảy múa ở Strasbourg đã được ghi chép lại trong lịch sử thế kỷ 16. Đây cũng không phải là dịch bệnh xảy ra duy nhất ở Pháp, vì những cơn nhảy điên cuồng này còn tồn tại ở cả Thụy Sĩ, Đức và Hà Lan. Mặc dù số người chết vì nhảy múa ở 3 đất nước này không nhiều như ở Pháp nhưng rõ ràng là nó đã từng tồn tại.
Trận đại dịch này đã khiến 400 người ở Pháp thiệt mạng.
Tại sao các “vũ công” lại nhảy múa cho đến chết?
Đại dịch nhảy múa trở thành một vấn đề bí ẩn không thể giải thích. Thậm chí cả cái cách mà đại dịch này kết thúc. Đội ngũ y bác sĩ không thể tìm được nguyên nhân phát bệnh, không một cách chữa trị lâm thời nào hạn chế được đại dịch. Không rõ bằng cách nào hay chính nhờ những lời cầu xin xá tội đã đẩy đại dịch lui đi.
Dưới đây là một số các giả thuyết được các nhà khoa học đưa ra:
Điệu múa trừng phạt của thánh?
Với cách mà dịch bệnh kết thúc, tiến sĩ John Waller – Giảng viên Lịch sử Y học và Sinh học tại Đại học Melbourne (Úc) đã giải thích vụ việc này rất có thể liên quan đến Thánh Vitus. Đây là một vị thánh Công giáo được người châu Âu sùng bái ở thế kỷ thứ 16 đã nguyền rủa mọi người bằng bệnh dịch đang nhảy múa. Họ chỉ được chữa trị khi cầu xin xá tội.
Ngộ độc gây ảo giác?
Bên cạnh đó, còn có một giả thuyết khác là những người đã tham gia vào cuộc nhảy máu là thành viên của một giáo phái tôn giáo. Họ đã vô tình ăn phải ergot – một loại nấm độc hại phát triển trên lúa mạch đen bị ẩm dẫn đến bị ảo giác. Tuy nhiên, các nhà khoa học không chắc làm thế nào mọi người có thể nhảy liên tục trong nhiều tuần, vì tác dụng gây ảo giác của ergot thường chỉ tồn tại trong thời gian ngắn một hoặc hai ngày.
Một giả thuyết khác cũng được đưa ra là mọi người đã ăn phải cây cà độc dược hay còn gọi là quả chuông thiên thần. Theo ghi nhận trong y khoa, các triệu chứng khi ăn phải cây này là mất phương hướng, hiếu động thái quá, mê sảng, hưng phấn quá độ, ảo giác…
Đại dịch nhảy múa xảy ra vì nạn đói?
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng có thể vào năm đó, nguyên nhân là do nạn đói. Điều này khiến người dân bị căng thẳng, thiếu ngủ, rối loạn tâm lý, suy dinh dưỡng kéo dài. Để giải tỏa áp lực, họ đã phải dùng khiêu vũ như hình thức giảm đau. Chỉ là họ giải tỏa quá đà dẫn đến thiệt mạng.
Tuy nhiên, cho dù có đưa ra bao nhiêu nguyên nhân đi nữa thì tất cả chỉ là giả thuyết. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm hiểu được nguyên nhân có điệu nhảy múa điên cuồng này.
Những giả thuyết liên tục bị bác bỏ, đại dịch nhảy múa trở thành điều bí ẩn của nhân loại.
Nguồn: Afamily.vn